Wednesday, August 27, 2008

Trung Úy Trương Tuấn Khanh K2/68 SQTB Thủ Đức


CHÂN DUNG MỘT H.O.
TRƯƠNG TUẤN KHANH (1)
- Người họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Quốc Gia, chuyên viên ấn họa của Quân Ðội, bị tâm thần phân liệt sau 6 năm tù “cải tạo”.
* HUY PHƯƠNG

Trang Cựu Chiến Binh QLVNCH đang có một loạt bài về đời sống hiện nay của những anh em H.O. ở quê người. Chúng tôi hy vọng, trong khả năng hạn hẹp, sẽ tìm hiểu và vẽ lại chân dung đa dạng của những người anh em mà chúng ta tạm gọi là những người H.O. Chúng tôi rất mong đón nhận sự đóng góp bài vở, ý kiến của anh em cựu tù nhân chính trị cho mục này. Xin liên lạc qua trang Cựu Chiến Binh VNCH, ấn hành vào mỗi thứ tư trong tuần hoặc huyphuong37@sbcglobal.net.

Trương Tuấn Khanh quê ở Hưng Yên Bắc Việt. Vào đầu thập niên 40, thân sinh của ông sang Cambodge làm việc tại Ty Bưu Ðiện Nam Vang và năm 1945, ông ra đời tại đây và là con một trong gia đình. Trương Tuấn Khanh theo học tại trường tiểu học Mekong cho đến 9 tuổi thì theo cha mẹ về sinh sống tại Saigon. Tuần tự, ông đã theo học tại trường tiểu học Taberd, Nguyễn Bá Tòng và nội trú tại trường công Giáo Ðồng Công Thủ Ðức.
Trương Tuấn Khanh theo học khóa 12 trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Quốc Gia tại Gia Ðịnh, tốt nghiệp ngành tranh lụa năm 1966. Thời gian này ngành sư phạm đào tạo các giáo sư hội họa cho các trường trung học bị bãi bỏ, ông làm việc cho hãng Sơn Mài Saigon và sau đó đi làm các phần vụ tiếp liệu cho Hãng Pacific tại phi trường Tân Sơn Nhất. Sau một năm được hoãn dịch vì hoàn cảnh gia đình, đầu năm 1968, ông bị động viên vào khoá 2/68 trường Bộ Binh Thủ Ðức. Tốt nghiệp, Trương Tuấn Khanh được đưa về Cục Tâm Lý Chiến, và vì có văn bằng Cao Ðẳng Mỹ Thuật sau đó, ông được thuyên chuyển làm chuyên viên Phòng Ấn Họa cho đến cuối tháng 4-1975.
Trung Úy Trương Tuấn Khanh ở lại đơn vị dến ngày cuối cùng và không có phương tiện ra đi, ông trình diện để đi “cải tạo” tại trường Lê Văn Duyệt Saigon và bị đưa lên Trảng Lớn, Tây Ninh và trại tù cuối là Suối Máu, Biên Hòa. Khi đi tù, đứa con trai đầu của ông mới được một tuổi rưỡi.
Cuối năm 1980, Trương Tuấn Khanh được ra tù và trở lại Saigon, nhờ có chút vốn liếng mỹ thuật, ông đi nhận làm các công tác mỹ thuật như tại tạo tranh ảnh, đắp phù điêu, đắp tượng cho các cơ sở mỹ thuật để sống qua ngày, nhưng trí nhớ của ông càng ngày càng sa sút. Bị ảnh hưởng những ngày tháng thiếu thốn trong trại tù, trong cuộc sống hiện tại quá khó khăn, bất an, Trương Tuấn Khanh ngã gục vì bệnh tâm thần phân liệt và nhiều tháng đã phải vào bệnh viện Chợ Rẫy.Trong thời gian này, vợ ông phải vất vả buôn bán để kiếm sống nuôi con.
Trương Tuấn Khanh và gia đình đến Mỹ vào đầu năm 1991 trong danh sách H.06 và định cư tại thành phố Santa Ana. Bệnh tình của ông càng ngày càng nặng, ông phải trở lại sáng tác tranh, tập trung tư tưởng qua công việc nghệ thuật này để chữa bệnh và đã ra vào nhiều lần bệnh viện UCI. Những lúc sức khoẻ tương đối khá, ông xin đi làm trong một tiệm sang băng video và bắt đầu dành thời gian để viết văn tùy bút và làm thơ. Trong năm 2000, Trương Tuấn Khanh đã hoàn thành ba tập tùy bút và thơ, phổ biến trong giới thân hữu nhiều hơn là phát hành trong quần chúng. Dần dần ông cảm thấy bình phục và trở lại bình thường, trong khi các con ông đã trưởng thành, có gia đình và công việc làm ăn ổn định có thể giúp đỡ cha mẹ, để ông có thể yên tâm nghỉ ngơi và vợ ông có thể làm việc bán thời gian.
Nhưng đến năm 2003, Trương Tuấn Khanh lại bị bệnh tiểu đường và sau đó bác sĩ phát hiện thêm bệnh ung thư máu. Hai năm nay, ông đã vào ra bệnh viện nhiều lần và vợ ông phải nghỉ ở nhà dể săn sóc ông. Những lúc sức khỏe được ổn định, ông có thể tới sinh hoạt tại Trung Tâm Dinh Dưỡng Regent West trêạn đường First, tại đây ông được y tá, bác sĩ săn sóc theo dõi bệnh tình của ông, gặp gỡ bạn bè và tham gia các sinh hoạt dành cho người cao niên hay bệnh tật như ông. Tuy mang bệnh nhiều năm kể từ ngày sang tới Mỹ, và khởi đi từ những khó khăn trong cuộc sống, hiện nay Trương Tuấn Khanh có được một mái ấm gia đình rất hạnh phúc, vì vợ chồng và các con hiếu để cùng các cháu đều sống chung dưới một mái nhà.

(1) Phân biệt với họa sĩ Nguyễn Tuấn Khanh (Rừng).

No comments: