Wednesday, March 4, 2009

Chữ nghĩa XHCN


Nguyên Sang

Nói đến tội ác CSVN, ai ai cũng liên tưởng đến những thiệt hại về sinh mạng, tài sản và nhân quyền do chúng gây ra. Thật ra, tội ác của chúng còn to lớn và tày trời hơn nhiều, khi chúng đầu độc cả thế hệ bằng chủ nghĩa ngoại lai và làm thui chột di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có ngôn ngữ Việt.

Có quan niệm cho rằng: chữ nào cũng là chữ Việt, làm gì có ngôn ngữ riêng của CS? Cũng có ý kiến, vì phải nói cho người dân trong nước nghe, nên phải sử dụng ngôn ngữ trong nước của họ.

Ðành rằng, cũng là tiếng Việt, nhưng mỗi nhóm người có chung lý tưởng, chung sinh hoạt, chung hoàn cảnh, chung việc làm, họ sẽ có chung một số thuật ngữ riêng, mà chỉ có họ với họ mới hiểu nhau. Như ngôn ngữ Việt trong các tôn giáo.

Ngoài ra, cũng có một loại ngôn ngữ riêng trong giới giang hồ, giới hoạt động bất hợp pháp hoặc giới phải hoạt động bí mật. Ở đây, xin bàn đến loại ngôn ngữ nầy.

Nếu chịu khó tra cứu tiểu sử các lãnh đạo của Ðảng từ ông Hồ trở xuống, chúng ta sẽ thấy thành tích vào tù ra khám của họ, nhiều hơn học vị, nếu không muốn nói đa phần là dân ít học, thiếu văn hóa. Cho nên khi kết hợp nhau thành Ðảng, họ cố ý dùng những từ ngữ do họ sáng tác ra, vừa lập dị, vừa thiếu tri thức, vừa không trong sáng và chuẩn xác, nhưng phù hợp với bản chất không trung thực và kém hiểu biết của họ.

1- Lập dị: Họ cố ý dùng nhiều từ ngữ khác với ta, từ viết đến nói.

Hãy xem phóng ảnh Bản Di Chúc ô. Hồ, để thấy lối viết lập dị. Ông ta dùng chữ F thay thế Ph, chữ J thay Gi... Sau ngày chiếm trọn miền Nam, chúng sửa đổi lối viết chữ Việt, bằng tập hợp những nét thẳng như cây que.

- Dùng chữ khác đi: như “tiêm phòng” (chích ngừa), cửa hàng bách hóa tổng hợp (tiệm tạp hóa), nhân dân (đồng bào), sự cố (trở ngại, trục trặc), hoành tráng (nguy nga, tráng lệ), nhất trí (đồng ý, đồng tình), dạ dày (bao tử), sơ tán (di tản), tờ rơi (truyền đơn), nhạy cảm (tế nhị)...

- Dùng đảo ngữ trong từ kép: như “cạnh khía”thay “khía cạnh”, “đảm bảo” thay “bảo đảm”, “triển khai” thay “khai triển”, “lễ tang” thay “tang lễ”...

- Thay một chữ trong các từ kép: như “nổi cộm” thay nổi bật, “hỗ trợ” thay yểm trợ, “liên hệ” thay liên lạc, “chất lượng” thay phẩm chất, “bộ đội” thay quân đội, “chiến sĩ” thay binh sĩ, “biểu diễn” thay trình diễn, “diễu hành” thay diễn hành, “(giờ) tan tầm” thay (giờ) tan ca, tan sở, tan việc, “đặc thù” thay đặc biệt, “khốn khó” thay khốn khổ, “thiếu đói” thay ốm đói, thiếu ăn, “đột xuất” thay đột ngột...

- Ðổi tiếng Hán Việt ra chữ Nôm và ngược lại: như “hỏa tiễn” thành “tên lửa”, toàn dân (cả nước), quốc nội, quốc ngoại (trong nước, ngoài nước), ưu điểm, khuyết điểm (mặt mạnh, mặt yếu)... “Nhanh chóng” thành “khẩn trương” “suy nghĩ linh tinh” thành “tư duy trừu tượng”...

- Sáng tác nhiều từ ngữ quái dị: như văn phòng con (túi đựng hồ sơ), đài bán dẫn (radio), không người lái (tự động), xáng trục vớt cứu hộ (tàu cứu các tàu lâm nạn), cứu cấp bờ biển...

- Công thức hoặc rập khuôn trong ngôn ngữ sinh hoạt, lặp đi lặp lại các khẩu hiệu: như “báo cáo” (mở đầu ), “nhìn chung, nói chung”, “mặt mạnh, mặt yếu”, “cơ bản”, “nhất định”...

Một dạo, các em học sinh phổ thông cấp 1, được dạy “Tập làm văn” theo công thức: “Nhà em có nuôi một... (con chó, con mèo, con gà, con vịt...)”. Kết quả, có em học sinh đã vận dụng công thức vào việc tả “Ông ngoại” bằng câu nhập đề: “Nhà em có nuôi một ông ngoại”!!!

- Nói rút gọn: như yêu cầu hoặc cho phép người khác lên tiếng hay phát biểu bằng câu mệnh lệnh: “Phát đi!”( phát biểu đi!); như “cực quý” (cực kỳ quý giá), bệnh tiêu chảy cấp (bệnh tiêu chảy cấp tính)...

2- Thiếu tri thức: Dùng sai văn phạm, sai ngữ pháp, cú pháp

- Dùng sai ý nghĩa, sai tình huống: như chữ “vô tư” (VD: cứ ăn vô tư!!!) “khả năng” (Vd: trời có khả năng mưa!!!) kém văn hóa, khó có khả năng nâng cao khả năng lãnh đạo )... Dịch nôm “Quốc gia” là Nhà nước, nhưng khi sử dụng lại mang ý nghĩa khác, như trong câu: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhà nước ở dây, ám chỉ chính phủ.

- Dung tục, kém văn hóa: như “xưởng đẻ”, “bộ phận bên dưới”... (Vd: Ðồng chí làm ở bộ phận nào? Báo cáo anh, em ở bộ phận bên dưới ạ!) (Vd: ... còn nổi cộm lên một số mặt tồn tại, rơi vào ai, người đó nắm!!!)

- Ngô nghê: như “Quầy thịt tươi sống Thanh niên”. “Cửa hàng chất đốt Phụ nữ”, “lính thủy đánh bộ” (thủy quân lục chiến), sao không diễn nôm luôn là lính nước đánh bộ?, “nhà văn nữ” (sao không là nhà văn gái?), “Ô tô con” (Ô tô mẹ, ô tô cha đâu?)

- Gây ngộ nhận: như gọi “hỏa tiễn” là “tên lửa”, có thể hiểu lầm là mũi tên (người xưa hay mọi da đỏ thường sử dụng) có mồi lửa và dùng cung để bắn cháy thành trì hay lều trại của địch quân. (“Nhà nước” khác với “nhà sàn, nhà gạch, nhà ngói, nhà lá, nhà thổ, nhà cầu, nhà vệ sinh... ra sao?]

- Trở ngại cho việc thống kê: như trong Bảng thống kê, ghi “5 trực thăng” gọn hơn “5 máy bay lên thẳng”

- Ðiệp ngữ: như nói “máy bay lên thẳng bay lên thẳng”, vừa khó hiểu vừa khó nghe, thay vì nói “trực thăng bay lên thẳng” (người ta hiểu ngay chiếc trực thăng không bay lên xéo) - Trong câu “Ðảng Cộng Sản đang xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa với tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội” (trong một câu có tới ba chữ xã hội)

3- Thiếu trong sáng: Lập lờ, mơ hồ, không cụ thể, thiếu chuẩn xác: Ai hiểu sao cũng được. Giải thích theo kiểu nào cũng xong. Ðây là kỹ xảo trong cách dùng chữ, nhằm mục đích ngụy biện cho những ý đồ, hành động hay việc làm thiếu thành thật, không minh bạch, quỷ quyệt, độc ác và tàn nhẫn; được ngụy trang bằng cụm từ hoa mỹ, là “phục vụ theo yêu cầu chính trị”.

Thông cáo cho sĩ quan miền Nam đi học tập có câu đại ý: “đem thức ăn đủ dùng trong 30 ngày”, cố tình để lầm tưởng là chỉ đi học tập trong 1 tháng. Ðể rồi sau nầy, kéo dài thời gian cải tạo, mới giải thích thêm, những năm tháng còn lại, Cách Mạng sẽ lo!!! Hoặc giả: “Học tập tốt, lao động tốt, CM sẽ khoan hồng”!!! (Làm sao để biết là tốt? Tiêu chuẩn để đánh giá học tập hoặc lao động tốt là gì??? ). Hoặc nói: “sau một năm triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm , chúng ta đã đạt được một số thành tựu nhất định” (Nhất định là gì? Bao nhiêu phần trăm???)

Như trong câu: “Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của trên, nên cơn bão không gây hậu quả nghiêm trọng cho bộ phận đánh bắt cá vùng biển”. (Trên là ai? Cấp chức gì? Ban ngành nào? Cơ quan nào? )... Cũng vậy, “Vấn đề tham nhũng trong cơ quan, còn chờ sự xử lý của lãnh đạo...”( Không chính xác! Ai là người có thẩm quyền?)...

Rõ ràng CSVN đã cố tình tạo ra một số ngôn từ, cùng với cách sử dụng đặc dị, không tuân thủ đặc tính trong sáng của tiếng Việt, coi thường sự kế thừa di sản văn hóa dân tộc, làm mất đi tính văn chương và sự phong phú của ngôn ngữ Việt. Họ bất chấp tất cả; miễn sao phù hợp với trình độ, thành phần, bản chất và đáp ứng nhu cầu chính trị của họ là được. Ðó là “cứu cánh biện minh phương tiện”, dùng mọi cách để đạt được mục đích, không loại trừ cách “thất nhân tâm”, bất chấp truyền thống văn hóa của 4.000 năm văn hiến.

Không hiểu vì sao một số người Việt quốc gia chúng ta, kể cả số người tỵ nạn chính trị lại hay dùng thứ tiếng Việt Cộng sản ấy? Tệ hại hơn, là còn sử dụng cả trên phương tiện truyền thông đại chúng, như sách, báo, truyền thanh, truyền hình, internet hay trong cả các thư từ giao lưu cá nhân, hội đoàn, đoàn thể?

No comments: