Thursday, January 1, 2009

Cựu đại tá Nguyễn Đức Đệ


Lời tòa soạn: Cựu đại tá Nguyễn Đức Đệ đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày Chúa Nhật 28 tháng 12 năm 2008 tại Fullerton, California. Chúng tôi xin phổ biến bài "Nhìn Lại Khóa 3 Thủ Đức Sau Gần Nửa Thế Kỷ" với những kỷ niệm theo gót chân đời chiến binh của đại tá Đệ. Khóa 3 Thủ Đức là đồng môn với "Sinh Vi Tướng - Tử Vi Thần" anh hùng Nguyễn Khoa Nam.

Đa số sinh viên sĩ quan trừ bị Khóa 3 là những sinh viên, công tư chức hoặc hành nghề tự do được gọi nhập ngũ vào năm 1953. Lệnh động viên đã làm thay đổi hẳn cuộc đời, chặn đứng một sự nghiệp đang theo đuổi hay tạo một tương lai hoàn toàn mới ngoài ý nguyện nguyên thủy của mỗi sinh viên nhập ngũ. Bây giờ ngồi phân tích lại những thành quả của Khóa 3, tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn, không tiếc hối những gì đã đến với cuộc đời mình, nhưng tiếc là kết cuộc đã xảy ra không như ý muốn. Hồi tưởng lại thời gian mới nhập ngũ tại ngôi trường rộng lớn trên đồi Tăng Nhơn Phú có cột dây thép gió cao vòi vọi, nằm cách chợ Thủ Đức không xa, tôi vẫn cảm thấy bồi hồi với bao nhiêu kỷ niệm vui, buồn đã một thời cùng chia sẻ với bạn bè chung khóa.

Sở dĩ chúng tôi nhận được giấy gọi động viên vì nhu cầu chiến trường thời bấy giờ đòi hỏi. Sau Thế Chiến Thứ Hai, các đế quốc dần dần trao trả độc lập lại cho dân thuộc địa. Các đại cường như Anh, Mỹ đã chuẩn bị từ bỏ quyền cai trị ở nhiều nước từng là thuộc địa của họ, riêng Pháp và Hòa Lan là cố níu, không chịu buông rơi các thuộc quốc. Vì vậy, đã đưa đến chiến tranh Pháp-Việt từ năm 1946, một cuộc chiến đã lôi cuốn nhiều lớp thanh niên, đa số vì chống thực dân nên ra chiến khu. Sau nhiều năm cố gắng bình định mà không có kết quả, người Pháp đã trao cho Cựu Hoàng Bảo Đại những gì mà lãnh tụ Cộng Sản họ Hồ tranh đấu không được: đó là nền độc lập với quân đội riêng, hai điều kiện này ghi rõ trong các Hiệp Định ký kết với Pháp năm 1947 và 1948 ở Vịnh Hạ Long và ở Điện Elysée, Paris. Năm 1950, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam chính thức thành lập, một nhu cầu cấp bách nẩy sinh là làm sao có đủ sĩ quan chỉ huy các đơn vị, điều hành các ngành chuyên môn? Các trường võ bị địa phương, các lớp tu nghiệp hạ-sĩ-quan đào tạo không được bao nhiêu chuẩn úy, còn trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt thì thời gian học tương đối lâu và số sinh viên thu nhận không nhiều nên các chính phủ kế tiếp thời đó đem thi hành một chính sách chung của các quốc gia thời chiến, đó là "động viên" ngõ hầu có nhân lực tham chiến. Trường Sĩ Quan Trừ Bị ra đời với khóa 1 khởi sự tại Nam Định (Bắc Việt), khóa 2 tại Thủ Đức (Nam Việt) và sau khi khóa 1 mãn khóa thì các khóa sĩ quan trừ bị kể từ khóa 3 về sau đều tập trung học ở Thủ Đức. Sau nhiều ngày chịu say sóng trong hầm tàu Gascogne xuôi Nam từ miền Bắc hoặc Saint Michel từ miền Trung, chúng tôi tới trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vào khoảng đầu năm 1953. Những chàng sinh viên sĩ quan trừ bị (SVSQTB), thời đó gọi theo Pháp là EOR (Elève Officier de Réserve) khóa 3, trong đó có cả Nguyễn Khoa Nam được phân phối vào những dẫy nhà mới xây cất, khá tiện nghi. Chúng tôi may mắn hơn các đàn anh học khóa trước vì không phải sống trong các ba-rắc tạm bởi cơ sở nhà trường lúc đó đã tương đối hoàn chỉnh sau khi huấn luyện xong khóa 2, một khóa có sĩ số sinh viên sĩ quan khá cao so với khóa 1. Chỉ Huy Trưởng Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức lúc đó là Thiếu Tá Bouillet, Giám Đốc Huấn Luyện là Đại Úy Pichenet và đại đa số cán bộ chỉ huy, tham mưu và huấn-luyện-viên là người Pháp mà chuyển ngữ dùng trong công tác huấn luyện cũng là tiếng Pháp. Chúng tôi phải kinh qua một chương trình huấn luyện cực nhọc ngõ hầu ra trường chỉ huy một trung đội vài chục binh sĩ ở một nơi xa xôi nào đó.

Tổng số SVSQTB được gọi trong khóa 3 là 750, thuộc đủ mọi giới, công chức cao cấp và trung cấp, tư chức, sinh viên, học sinh, doanh gia và chuyên gia. Phần đông sinh viên khóa này tuổi từ 20 đến 35, có bằng Trung Học trở lên. Thể lực không đòi hỏi cao độ như sinh viên sĩ quan hiện dịch, mà các sinh viên khám sức khỏe được xếp vào hạng dịch vụ thiểu động(service sétendaire) cũng đủ sức để phục vụ (bon pour le service) vì quân đội có nhiều nha, sở không tác chiến chỉ cần sĩ quan tham mưu và điều hành. Khóa 3 khởi sự học vào tháng Tư, 1953 và thời gian thụ huấn là 6 tháng: 2 tháng đầu dành cho cơ bản quân sự, 4 tháng sau học chuyên ngành.

Quân số khóa 3 được phân phối như sau: 4 đại đội Bộ Binh, mỗi đại đội gồm có 136 SVSQ. Mỗi đại đội được gọi đùa là sư đoàn gồm 6 trung đội, mỗi trung đội thuộc một ngành chuyên môn như Kỵ Binh Thiết Giáp, Thông Vận, Pháo Binh, Truyền Tin, Công Binh, Quân Cụ.

Các cấp chỉ huy khóa sinh hầu hết là sĩ quan Pháp, chỉ có vài trung đội trưởng là người Việt, đa số tốt nghiệp Võ Bị Liên Quân. EOR Nguyễn Khoa Nam được sung vào Trung Đội 16, Đại Đội 4 do Trung Úy Nhung làm Trung Đội Trưởng và Đại Úy Lévêque làm Đại Đội Trưởng và lưu trú tại tòa nhà gần phạn xá.

Việc phối trí các EOR hoàn toàn do sĩ quan giám đốc học vụ quyết định, ông này xem qua hồ sơ, ghi ngành và trung đội, không cần trắc nghiệm tâm lý từng người để xem khả năng của họ thích hợp với ngành gì như sau này thường làm; do đó, một tay ông tạo nên cả một binh nghiệp, một đời mới cho bao nhiêu người. Anh em khóa sinh mới bị động viên còn là lính mới tò te, nhiều khi không hiểu ông sĩ quan giám đốc cho mình về binh chủng hay nha sở nào nữa, ví dụ có anh chỉ định về “Train” thì tưởng là sẽ đi coi xe lửa, có anh được ghi là “ABC” thì chẳng biết nó là cái chi chi, sau này vỡ lẽ là Thiết Giáp (Arme Blindée et Cavalerie).

Cùng lúc với việc tuyển chọn khóa sinh vào các ngành, nhà trường cấp phát quân trang quân dụng, biến các cậu các ông dân sự quần áo giầy dép đủ kiểu, đủ màu thành những chú lính với bộ quân phục đồ cụt màu xanh đậm duy nhất, có tên lạ hoắc là màu réséda. Giầy hai màu (deux couleurs) thời trang thì bị thay thế bằng giầy lính tẩy nặng trịch, đế đầy đinh, mang tên là brodequin, hôi mùi da bò. Anh nào có bộ tóc bồng bềnh, gọi là tóc “phi-lô-dốp” thì lập tức được chỉ thị lên câu-lạc-bộ (foyer) hớt thật ngắn, khi về phòng anh em khó mà nhận ra anh chàng là người cùng phòng trước khi hớt tóc, đúng với câu “cái tóc là gốc con người.” Râu ria cũng bị cạo trụi, mất hết vẻ oai hùng của “đấng mày râu.” Riêng đám anh em người Nam, vốn nhập trường trước, trong khi các anh em Trung Bắc còn lênh đênh trên biển cả, anh em miền Nam tỏ vẻ thông hiểu luật lệ nhà binh hơn vì được nhập trường trước, trong lúc các anh em Trung, Bắc vô sau, cảm thấy sợ sệt, thường vây quanh hỏi han, vấn kế những anh vô trước, đặc biệt là về tính tình của mấy cấp chỉ huy trực tiếp. Tuy thế, nhiều khi tin tức, chỉ dẫn cũng trật lất, lý do anh nào cũng mới gia nhập đời sống quân ngũ, trừ một số nhỏ cựu quân nhân cấp hạ-sĩ-quan được gởi đi học để thăng cấp. Các anh hạ-sĩ-quan này được bạn đồng học ưu ái, coi như đàn anh, khi có thắc mắc về quân kỷ các bạn líu ríu đến cầu cứu, tham khảo ý kiến của các cựu binh “tiền bối” này. Thực vậy, trong giai đoạn 1, huấn luyện quân sự căn bản, môn quân kỷ và tác chiến là hai môn chính khi thi mãn khóa giai đoạn nên anh em dù cố dùi mài, ghi chú, học thật kỹ lưỡng nhưng vẫn lờ mờ nên cần đến sự chỉ dẫn thêm của các cựu binh. Hai môn học này do các trung đội trưởng phụ trách.

Các môn học khác như Võ Khí, Địa Hình, Truyền Tin .... thì đã có ban đặc trách huấn luyện. Khóa 3 cũng như hai khóa 1 và 2 còn dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ vì đa số trung đội trưởng và huấn-luyện-viên là sĩ quan Pháp biệt phái. Anh em khóa sinh gặp những thuật ngữ quân sự mới lạ, chẳng có tự điển nào có, học hành khó khăn và trở ngại không ít. Hơn nữa, không phải khóa sinh nào cũng học Trung Học qua chuyển ngữ Pháp Văn. Nhiều bạn trẻ tuổi theo chương trình Việt Văn vấp phải “rào cản ngôn ngữ” vì vậy đã có những khóa sinh không đậu giai đoạn 1 và bị gởi ra đơn vị. Các anh này nếu học các khóa sau, dậy bằng Việt ngữ, chắc sẽ qua cầu không bị đánh trượt.

Chương trình huấn luyện, theo một sĩ quan huấn luyện viên tiết lộ, dựa theo trường Fréjus bên Pháp trong khi trường Võ Bị Liên Quân thì căn cứ vào chương trình của Coetquidan (trường đào tạo sĩ quan của Pháp thay thế trường Saint Cyr chưa phục hoạt sau Thế Chiến 2). Dù chương trình huấn luyện ở Thủ Đức tương đối dễ thở hơn, nhưng anh em khóa sinh đâu biết trời trăng gì, chỉ thấy bị nhà binh quần thảo, không đủ thì giờ nghỉ ngơi nên anh nào anh nấy "than Trời như bộng." Khi còn ở ngoài đời sống dân sự thì lè phè quen, nay nhập ngũ, quân kỷ thắt chặt, đi ăn cũng xếp hàng, đi đều bước, giường nệm gấp đúng qui luật, giầy săng đá phải chùi láng, và bao cái linh tinh khác hành xác mệt nhừ, tinh thần căng thẳng... Từ 5 giờ sáng có lệnh đánh thức để tập thể dục, gọi là xả mỡ (dégraissage), dù mấy thư sinh bạch diện gầy ốm tong teo đâu có mỡ để xả bớt.

Nhưng đau khổ nhất là khóa sinh bị cấm trại, không được đi phép, không được xuất trại trong gần hai tháng học giai đoạn 1. Vốn quen sống gần gia đình, vợ con, anh em nào bị cấm trại thì nhớ nhà vô kể, ngày Chủ Nhật được nghỉ trở thành những Chủ Nhật Buồn. Ngày đó anh em thi nhau viết văn, văn đây là những bức thư kể lể cuộc đời mới cho gia đình, cho người yêu. Người gởi thư cũng như người nhận bắt đầu quen thuộc dần với cái KBC 4100 xa xôi và không có gì quí hơn đối với khóa sinh là thấy nhân viên phát thư mệnh danh là vaguemestre chia thư tín cho các trung đội mang về cho các anh em. Tám tuần lễ học làm lính sao nó lâu thế! Mấy môn học mới lạ và rắc rối khiến nhiều anh em phải mua đèn cầy học thêm sau giờ tắt đèn đi ngủ. Môn hóc hiểm là tháo ráp cây súng nặng trịch Garant M-1, lúng túng là đọc tọa độ UTM, dễ lầm lộn là mấy chiếc nút trên máy tuyền tin dã chiến ... Những giờ thực hành tác chiến, tổ chức địa hình, tác xạ ngoài bãi còn cực nhọc hơn nữa, đa số khóa sinh là công tử, nhàn hạ quen, nay phải đổ mồ hôi tại thao trường, đào hố cá nhân trên đồi đất đỏ khô cằn, chạy đoạn đường chiến binh... anh nào anh nấy thở không ra hơi, nhất là các anh gốc Trung hay Bắc, chưa chịu nắng miền Nam bao giờ. Trong khi đó thì các thầy, các trung đội trưởng lại rất hắc, rất khó, để ý từng chi tiết, bắt ne bắt nét từng lỗi lầm nhỏ nhặt để la rầy, mục đích là uốn nắn những thanh niên đang sống đời tự do phóng khoáng, tùy thích cá nhân, biến cải họ thành những cấp chỉ huy có kỷ luật, biết sống trong tập thể, dám hy sinh... Nhưng lúc đó, anh em khóa sinh bị “quay” quá thì lại nghĩ rằng thì lại nghĩ rằng mấy thầy đi lính trước mình mấy năm, tính hách xì xằng, được dịp hạch sách thì ra tay “hành” bọn đàn em, ỷ vào nguyên tắc quân kỷ: thi hành lệnh trước đã, muốn gì khiếu nại sau. Vì quân kỷ là sức mạnh của quân đội, cho nên dù một lệnh lạc dù có kỳ quặc cũng phải thi hành cái đã, không oong đơ gì cả. Có buổi trưa nắng, tự nhiên có lệnh cho khóa sinh ra ngồi giữa sân cả nửa giờ đồng hồ, rồi có lệnh cho vô nhà, khơi khơi vậy thôi, cũng phải răm rắp thi hành lệnh vô bổ đó. May mà ở Thủ Đức không có khóa đàn anh, không có tập tục “huấn nhục” đàn anh hành đàn em, một tập tục truyền thống của các trường đào tạo sĩ quan.

Trong tiến trình huấn luyện, thời gian không qua mau, nhưng rồi cũng đến ngày hết giai đoạn 1. Khóa sinh được đeo Alpha, và quý báu hơn cả là được đi phép sau bao ngày cấm cung trên đồi Tăng Nhơn Phú. Anh em gốc miền Nam là mừng hơn cả vì được về nhà thăm vợ con hoặc bạn gái thân thương. Anh em gốc Trung, gốc Bắc cũng có dịp đi chơi Sài Gòn-Chợ Lớn, ghé Kim Chung, Đại Thế Giới ... Khi đi phép, anh em được lệnh là không được mặc quần áo dân sự nhưng ngay hôm sau, đã gặp nhau trên đường Catinat trong bộ đồ civil thời trang rồi. Nếu vô phúc gặp trung đội trưởng thì lẩn cho mau kẻo kỳ sau mất phép, và cuối khóa mất code d' amour, tức điểm cảm tình, một số điểm rất quan trọng để thăng quan. Số điểm này hoàn toàn do huấn-luyện-viên cho khóa sinh một cách chuyên đoán, tùy hỉ, ưa thì cho nhiều, ghét thì cho ít hoặc không cho điểm nào cả.

Qua lần đi phép đầu tiên, sau đó, khóa sinh cứ 2 tuần lễ được đi phép một lần và sau khi qua giai đoạn 1, lương được tăng ngang mức lương hạ-sĩ-quan, nhưng khóa sinh gốc công chức thì vẫn lãnh tổng số lương như cũ (vì lương sai biệt bị trừ bớt một số tiền bằng với số gia tăng của lương nhà trường phát). Đó là trường hợp của EOR Nguyễn Khoa Nam và các đồng liêu công chức. Riêng các anh em sinh viên tư chức có thêm chút tiền túi, ăn tiêu rủng rỉnh hơn khiến câu-lạc-bộ đắt khách hơn và các chị ở trại gia binh tối tối mang hột vịt lộn lên bán cũng đắt hàng hơn. Tới lúc đó thì cuộc sống quân trường của các khóa sinh tạm gọi là ổn định. Các anh em được chọn vào ngành chuyên môn phải học nhiều về kỹ thuật, thường là học trong lớp nên không còn phải ra bãi tập nhiều như trước, vì phải học nhiều về kỹ thuật, thường là học trong lớp vì lâu lâu mới có bài tập dã chiến. Dĩ nhiên là các binh chủng chiến đấu như thiết giáp, pháo binh vẫn phải ra ngoài thực tập nhiều hơn các binh sở. Ngược lại, các khóa sinh bộ binh, dù là bộ binh nhẹ hay trọng pháo, học tập cực hơn trước và phải thay phiên đi đóng đồn tại cao nguyên (plateau), một căn cứ gần trường; thêm vào đó, anh em bộ binh phải phụ trách việc chào kính, một công tác thường nhật.

Nhân nói đến vụ chào kính, anh Đào Văn Sơn có kể một câu chuyện về EOR Nguyễn Khoa Nam: “Mỗi ngày vào buổi sáng, nhà trường gởi một toán 7 người lên cư xá sĩ quan để dàn chào Thiếu Tá Bouillet, vị Chỉ Huy Trưởng của trường. Đến phiên Trung Đội 16, anh Nam được lệnh làm chỉ huy toán dàn chào vì anh tốt tướng, vạm vỡ đô con hơn cả. Với tính kỹ lưỡng sẵn có, anh chuẩn bị rất chu đáo, kiểm soát cẩn thận quân phục, giầy, súng, nhất nhất món nào cũng láng coóng. Thiếu Tá Bouillet xuất hiện, anh trình diện toán rồi bước về đứng đầu hàng đợi Thiếu Tá Bouillet duyệt toán quân. Duyệt quân đến chỗ anh Nam, ổng nhìn từ đầu xuống chân, rồi bất ngờ cúi xuống, buộc lại dây giày cho anh Nam vì khi di chuyển về chỗ đầu hàng, dây giầy một bên tuột ra mà anh không dám dừng chân để cột lại. Ngay sau đó, ổng cho anh em một bài giảng về quân kỷ. Ông nói cấp chỉ huy phải làm gương, cấp chỉ huy có kỷ luật thì binh sĩ mới có kỷ luật và quân đội mới trở nên một quân đội có kỷ luật.” Chuyện này chứng tỏ là các sĩ quan cán bộ trong trường rất lưu tâm đến những chi tiết nhỏ nhặt, muốn những sĩ quan mà họ đào tạo ra phải trở thành mẫu mực trong quân đội mới thành lập, theo đúng truyền thống lâu đời của quân đội Pháp.

Các sĩ quan Việt cũng hắc không kém, trung đội khóa sinh nào di chuyển mà hàng ngũ lộn xộn một chút, không may gặp sĩ quan cán bộ dọc đường là bị rầy rà, la mắng hoặc bị phạt chạy vài chục vòng quanh vũ-đình-trường. Ngày gay go nhất là ngày đi phép, sĩ quan phụ trách xuống khám phòng, chàng nào giường tủ, áo quần lôi thôi là mất phép, ráng ở lại trường, trong khi đồng đội du hí Sài Thành dui dẻ. Khóa sinh xưa nay đa số là các công tử, nay bị khép vào kỷ luật nhà binh nên nhiều anh em tìm mọi cách để vi phạm trường quy mà vẫn tránh được hình phạt. Nổi tiếng nhất là một khóa sinh cựu quận trưởng hành chánh, ngày nào cũng xé rào, trốn ra ngoài trại mà không khi nào bị chộp bị bắt. Anh trốn trại mỗi ngày vì có nợ với nàng tiên nâu, nghiện á phiện nên phải ra chợ Thủ Đức làm ít cối. Nhưng đại đa số khóa sinh đã thích ứng được với hoàn cảnh mới và thay đổi cách sống, dáng đi đứng, lối nói năng; từ những thư sinh tóc dài, ẻo lả nay đã trở nên những quân nhân nước da rám nắng, nét mặt rắn rỏi... Đúng như tập ngữ “ninety day wonder”, chỉ 90 ngày tận tình huấn luyện mà các sĩ quan trừ bị của Mỹ trong thời Thế Chiến đã trở thành những cấp chỉ huy tin cậy được. Phương pháp đào tạo của Pháp có tính cách chuyên nghiệp, chú trọng vào hình thức và kỹ năng, không vận dụng tinh thần, không lưu ý đến chiến tranh tâm lý trong một cuộc chiến đậm mùi ý-thức-hệ, đó là một khuyết điểm đáng kể trong chương trình học.

Như nói ở trên, Khóa 3 Trừ Bị Thủ Đức còn dùng chuyển ngữ Pháp Văn, nhiều khóa sinh non tuổi học chương trình Việt nên yếu tiếng Pháp, không hiểu rõ bài giảng và các chỉ thị của huấn-luyện-viên, nhất là trong những lớp chuyên môn như truyền tin, địa hình, kỹ thuật, xe hơi, vũ khí, v.v. Điều này đôi khi đã đưa đến hậu quả đáng tiếc như vụ một sinh viên sĩ quan đã tự vẫn bằng súng trường. Có lời đồn đại trong nhóm khóa sinh là chỉ vì trở ngại sinh ngữ, điểm thấp, anh sợ bị rớt nên mới có hành động dại dột gây nên thảm kịch đó. Dù sao, biến cố này cũng gây một chấn động lớn lao cho toàn thể khóa sinh lẫn sĩ quan huấn-luyện-viên.

Nói đến Khóa 3 mà không kể những chuyện vui buồn của câu-lạc-bộ (foyer) thì quả là thiếu sót. Foyer là một căn nhà rộng lớn, do nhà thầu Pierre Villaréal quản trị mà anh em thường gọi là “anh De”. Câu-lạc-bộ bán đủ thứ, rất đông khách, nhất là sau các kỳ lãnh lương (paye), anh em khóa sinh rủng rỉnh tiền bạc, la ve uống bí tỉ, nhậu nhẹt giải trí và bổ dưỡng để lấy sức học tập. Trong đám nhân viên bán hàng có cô cháu gái của anh quản lý trẻ đẹp, dễ thương khiến nhiều bạn trong khóa trồng cây si. Một EOR còn độc thân đã kiên nhẫn đeo đuổi, nhất quyết chiếm cho được trái tim người đẹp. Giờ nào không có lớp là anh lên chầu chực, quên cả học bài, ôn bài, kết quả là anh đã rớt trong kỳ thi tốt nghiệp, ra trường với lon chuẩn úy. Câu-lạc-bộ là nơi gặp gỡ của các cặp vợ chồng, tình nhân trong những ngày cuối tuần không được đi phép (nên nhớ hai tuần mới được đi phép một lần), nhiều màn mùi mẫn công khai xảy ra trước mắt bá quan và bạn bè làm nhiều người bạn cũng nóng mặt.

Điều mà các khóa sinh e ngại nhất là vụ chọn đơn vị khi tốt nghiệp, mệnh danh là amphigarnison mà thứ tự chọn lựa dựa vào kết quả trong kỳ thi ra trường, ai điểm cao thì chọn trước, dĩ nhiên là được chỗ tốt, gần gia đình, ít cực nhọc nguy hiểm. Vì vậy các anh em khóa sinh cố gắng dùi mài, học ngày học đêm, cố lấy điểm ngõ hầu đậu cao, chọn được chỗ ngon lành hơn... Vốn là dân bị động viên, rất ít người có chủ định suốt đời theo binh nghiệp, đa số chỉ mong thi hành đủ vài năm quân ngũ rồi trở về với công việc cũ của mình.

Trong một bữa tiệc nhắm mục đích cho khóa sinh làm quen với gia đình của sĩ quan cán bộ, một sinh viên sĩ quan đã nêu lên vài thắc mắc với phu nhân của một trung úy trung đội trưởng người Pháp như: “Trong quân đội Pháp, có nhiều sĩ quan gốc động viên tiếp tục phục vụ trong quân ngũ không? Có nhiều sĩ quan trừ bị sang hiện dịch không?” Bà cho biết là theo kinh nghiệm, số sĩ quan bị động viên có khá nhiều người chọn đời binh nghiệp, ngay ở trong Quân Lực Diện Địa Viễn Đông (FTEO, Forces Terrestres d'Extrême Orient), sĩ quan trừ bị cũng rất đông. Bà giải thích lý do là đời sống quân ngũ tuy cực nhọc, nguy hiểm nhưng thỏa mãn tinh thần, tạo nên ý nghĩa cho cuộc sống. Bà dùng câu tục ngữ “l' appétit vient en mangeant,” có ăn rồi mới thèm ăn; nói cách khác là khóa sinh ra trường chỉ huy binh sĩ, rồi cảm thấy thích thú đời quân ngũ từ đó phát sinh ý muốn tiếp tục phục vụ quân đội. Bà còn nói trong tập thể khóa sinh có những nhân tài, những kho tàng ẩn dấu (tresors cachés) sẽ sáng chói khi có cơ hội. Lời tiên đoán của bà đã đúng với một số đông sĩ quan tốt nghiệp Khóa 3, trong đó nổi trội nhất là EOR Nguyễn Khoa Nam.

Theo truyền thống ở các trường quân sự Pháp Quốc, các sinh viên sĩ quan tốt nghiệp với điểm cao thường chọn ngành chiến đấu tiền phong như Thiết Giáp, Nhảy Dù vì Thiết Giáp Binh nối nghiệp Kỵ Binh, một binh chủng quý tộc (arme noble), còn Nhảy Dù thì nổi tiếng trong Thế Chiến 2 là thần tốc, quyết định thắng bại tại chiến trường nên sĩ quan ưu tú là phải mang mũ nồi đỏ (bérêt rouge). Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức có huấn luyện sĩ quan Thiết Giáp trong một trung đội với khóa sinh đã lựa chọn ngay khi nhập trường, chỉ có Nhảy Dù là binh chủng chọn những sĩ quan tình nguyện sau khi mãn khóa. Trong hơn 700 khóa sinh Khóa 3 Trừ Bị Thủ Đức tốt nghiệp, chỉ có 6 người xin vào binh chủng Nhảy Dù đó là các EOR Nguyễn Khoa Nam, Hoàng Đức Ninh, Nhâm Ngọc Hựu, Bùi Văn Thạch, Nguyễn Thế Phồn, Trần Huy Chương.

Anh em đồng khóa thán phục sự can đảm, óc mạo hiểm của các bạn đó nhưng cũng hơi thắc mắc là các bạn đó lại chọn con đường khó khăn nguy hiểm như vậy vì lý do gì: thích phiêu lưu? mong thăng chức mau? ưa cảm giác mạnh hay là “bốc đồng”? Có điều chắc chắn là các sĩ quan cán bộ, đặc biệt là những sĩ quan Pháp, rất lấy làm hãnh diện thấy kết quả của việc huấn luyện của mình đã biến những bạch diện thư sinh thành những chiến sĩ hào hùng và tạo được những con người mới đầy đủ khả năng chỉ huy, không nề nguy hiểm. Nếu không có 6 EOR “dám nhảy từ trên Trời xuống” tình nguyện sang Nhảy Dù thì cả khóa đã bị coi là thỏ đế, nhát nhúa và đó là một điều làm tổn thương danh dự của cả khóa không ít. Do đó, anh em đồng khóa rất hãnh diện khi có những người bạn đã xung phong gia nhập Nhảy Dù, một binh chủng chiến đấu luôn luôn đi đầu và chịu lãnh nhiều tổn thất nhất trong quân đội.

Sau bốn tháng huấn luyện chuyên ngành, anh em được chuẩn bị để thi ra trường. Lúc này là giai đoạn căng thẳng nhất vì cuộc thi sẽ định đoạt tương lai mỗi người. Doanh trại sáng rực ánh đèn cầy ngay khi đèn điện tắt, một số lớn khóa sinh tiếp tục ôn bài, xem lại các notes đã ghi chép, tụng những bài bản quan trọng, hỏi nhau những điểm khó hiểu, dợt cách trả lời những câu hỏi tự đặt cho mình. Ai cũng lo không biết những môn thi thực hành có hệ số cao sẽ ra sao? Giám khảo có hắc búa không?

Một Hội Đồng Chấm Thi từ Sài Gòn lên, chánh-chủ-khảo là Đại Tá Phạm Văn Cảm, thành viên đa số là sĩ quan Pháp lấy từ các bộ Tham Mưu, các Trung Tâm Huấn Luyện, các đơn vị lớn, các sĩ quan này chấm những môn quan trọng, một số nhỏ sĩ quan Việt Nam đảm trách chấm những môn còn lại. Cuộc thi kéo dài trong nhiều ngày, trong suốt thời gian thi, không những tinh thần khóa sinh rất căng thẳng, ngay đến các sĩ quan trung đội trưởng và đại đội trưởng cũng lo âu không kém. Họ theo dõi từng môn thi, động viên tinh thần, khích lệ, mách nước cho các khóa sinh, đặc biệt là các khóa sinh học kém. Các huấn-luyện-viên rỉ tai, chỉ vẽ những ngón hay trong ngành nghề ngõ hầu các thí sinh có cơ may qua cầu thoát nạn khi gặp những giám khảo khó tính hoặc thích hỏi những câu ngoắt ngoéo, khó hiểu. Thiếu Tá Bouillet, Chỉ Huy Trưởng của Trường, đi vòng vòng quan sát đám đệ tử xem họ bị quay tơi bời đến mức nào, đánh giá công trình huấn luyện của trường. Ông có vẻ hài lòng khi thấy phần lớn khóa sinh trả lời trót lọt. Thật vậy, kết quả cuộc thi cho thấy chỉ có một số ít ra chuẩn úy vì thiếu điểm còn đa số đậu và ra trường với cấp bậc thiếu úy.

Trong Lễ Mãn Khóa, một cuộc diễn hành để biểu dương lực lượng của toàn khóa được tổ chức tại Sài Gòn, với hình thức quân trường của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Tiểu đoàn khóa sinh được chỉ huy toàn bộ bởi sĩ quan Việt Nam, đi diễn hành dọc theo đường Norodom. Dân chúng đi coi duyệt binh khá đông, dĩ nhiên trong đám đông ấy có nhiều thân nhân của các tân sĩ quan. Lễ xướng danh thì thực hiện tại vũ-đình-trường, anh em khóa sinh hồi hộp chờ gọi tên, theo thứ tự điểm thi mãn khóa, suốt mấy ngày trước tin đồn là thủ khoa và mấy chỗ đầu đều do khóa sinh 5ème Division chiếm vì họ giỏi về chuyên môn mà hệ số các môn này lại cao, giám khảo cho điểm rộng. Tin đồn gần trúng vì Thủ Khoa Phạm Văn Mân là dân Pháo Binh, binh chủng có tiếng là bác học (arme savante) vì sĩ quan pháo thủ phải giỏi toán để tính những số liệu tác xạ. Anh Mân lại có dáng dấp bệ vệ, xứng đáng đi đầu hàng quân. Anh đậu Á Khoa thuộc Công Binh tên Lê Minh Chúc. Chiếm hạng ba là một anh Kỵ Binh Thiết Giáp, Nguyễn Thành Luông, thường gọi là Commis Luông vì ngạch của anh trong công chức là tham sự. Xướng danh hơn bảy trăm sĩ quan tốt nghiệp cũng mất nhiều tiếng đồng hồ.

Sôi nổi nhất là buổi chọn nơi phục vụ amphigarnison. Dù gì đi nữa, nhiều sĩ quan trừ bị không có tinh thần như những sĩ quan hiện dịch tình nguyện, họ không mấy thích mạo hiểm, ngại xông pha chiến trận nên ai mà chẳng muốn được bổ nhiệm vào một đơn vị đồn trú gần gia đình, tránh né các địa phương kém an ninh. Vì những lẽ đó, sĩ quan tân khoa ưu tiên chọn Đệ Nhất Quân Khu ở miền Nam và chỉ có các anh gốc Bắc hoặc xếp hạng thấp trong kỳ thi ra trường là chọn Đệ Tam Quân Khu thôi. Sau khi chọn nơi phục vụ, có những vụ đổi chác: anh đã chọn miền Nam đổi chỗ cho anh chọn miền Trung vì muốn ở gần vợ con, hoặc là anh phải ra miền Bắc vì xếp hạng thấp, không còn chỗ trong Nam, mà gia đình lại ở Lục Tỉnh nên phải năn nỉ với một anh chọn chỗ trong Nam xin hoán đổi về Đệ Nhất Quân Khu. Văn phòng nhân viên tỏ ra dễ dãi và thông cảm cho các vụ hoán đổi.

Các tân sĩ quan được phân phối đi dự các dạ tiệc tại dinh thủ tướng, ở các bộ phủ, khi qua trạm gác, được binh sĩ chào đúng quân cách. Có anh hỏi đường thì lính gác một điều thưa quan, hai điều thưa quan, nghe hơi có vẻ phong kiến nhưng trong lòng “các quan” cũng thích thầm, nghĩ rằng công dùi mài kinh sử, đi bãi tập luyện cực khổ, nay đang được đền bù: đã thành quan, dù chỉ là chức quan nhỏ.

Mãn khóa xong, anh em nóng lòng chờ giấy phép để về với gia đình, nhất là các anh động viên từ Bắc và Trung. Suốt nửa năm xa vợ con, xa nhà, ai không nôn nóng, mong ngày phép. Những ngày sum họp với gia đình là những ngày quý báu, nhưng qua rất mau, và viễn ảnh cuộc chiến ngày càng khốc liệt là một mối lo cho nhiều anh em, nhất là khi quân đội Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và mở nhiều chiến dịch ở mạn Nam đồng bằng sông Hồng. Các anh chọn Quân Khu 3 ngoài Bắc, vừa hết phép về trình diện là ra đơn vị và hành quân liên miên ngay. Quân Khu 1 và 2 tương đối yên hơn. Một số chọn ngành chuyên môn thì phục vụ tại các nha sở, đơn vị thuộc ngành của mình. Thiếu Úy Nguyễn Khoa Nam tình nguyện thuyên chuyển về một đơn vị Dù ngoài Bắc.

Sĩ quan khóa 3 Thủ Đức ra trường vào đúng lúc Quân Đội Quốc Gia Việt Nam tiếp thu các đơn vị của Pháp, nên nhiều anh em được gởi đi thụ huấn ở Pháp, lúc về được bổ nhiệm vào các chức vụ tương đối cao và được thăng cấp khá mau. Tổng quát mà nói, đa số sĩ quan tốt nghiệp Khóa 3 Thủ Đức đều làm nên sự nghiệp, nhờ có vốn liếng văn hóa hay chuyên môn, chịu trận mạc ngay từ khi còn “mỏ trắng” (blanc bec), lập nhiều công trạng chiến trường. Một anh nổi tiếng “anh hùng đồn Khả Lý-Bắc Việt” là Nguyễn Hoàng Chương. Sau ngày ký kết Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, một thiểu số rất nhỏ kẹt lại miền Bắc mà phần lớn vì lý do gia đình, còn đa số di chuyển vào Nam. Một số nhỏ khác gốc công chức được giải ngũ sau hơn hai năm phục vụ quân đội. Không ít anh em chuyển sang hành chánh làm việc, anh Thủ Khoa Phạm Văn Mân, các anh Mai Ngọc Dược, Hoàng Đức Ninh, Cao Văn Chơn nhậm chức tỉnh trưởng. Vài anh xuất ngoại du học như các anh Nguyễn Sĩ Tín, Dương Thiệu Hiểu. Mấy đợt giải ngũ kế tiếp, một số anh có tài kinh doanh đã ra tung hoành nơi thương trường như các anh Lê Minh Triết, Huỳnh Trung Lập, Trần Văn Tuất, Lâm Tuấn Lâm. Ra chính trường thì ta thấy các anh Phạm Đỗ Thành, Lê Ninh, Nguyễn Thành Luông, Võ Văn Cầm. Giữ các chức vụ chuyên môn ở cấp cao có mấy anh Nguyễn Văn Ghi, Lê Liêm, Trần Văn Thăng. Ở ngành ngoại giao có anh Vũ Quốc Ngọc. Cơ quan chuyên môn có những Ngô Quí Thiều, Nguyễn Năng Nhu. Ngành Luật Sư có Huỳnh Quang Trung, Lê Tất Hào (lưỡng quốc luật sư Việt-Mỹ), Lý Quốc Sỉnh, Phạm Kim Vinh; anh Vinh còn là một cây bút sắt bén dưới bút hiệu Trương Tử Phòng. Những anh trước tác nhiều đáng kể là Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn, Tạ Tỵ, Nguyễn Trọng Liệu, Nguyễn Hữu Trạc, Nguyễn Sỹ Tín, Đỗ Khắc Siêm, Vũ Công Định. Bác sĩ thì có Hoàng Ngọc Đính. Còn trong quân ngũ thì đa số chỉ huy các đơn vị quan trọng; đặc biệt các anh Nguyễn Khoa Nam, Huỳnh Văn Lạc là những sĩ quan khóa 3 mang sao, thăng tướng. Không ít dân khóa 3 đã là những Đại Tá đảm nhận những chức vụ cao: Cục Trưởng Bùi Hy Trọng, Chánh Án Tòa Mặt Trận Nguyễn Trọng Liệu, Ủy Viên Chính Phủ Nguyễn Đình Trí, Giám Đốc như Chu Văn sáng, Trưởng Phòng Bộ TTM Nguyễn Đức Đệ, Chỉ Huy Lực Lượng Đặc Biệt Ngô Thế Linh. Nhưng người được giao nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là anh Nguyễn Khoa Nam với chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn IV-Quân Khu 4, một trong 4 đại đơn vị và Vùng Chiến Thuật của Việt Nam Cộng Hòa. Những sĩ quan Khóa 3 Thủ Đức đã hy sinh vì tổ quốc cũng khá nhiều, tiếc rằng danh sách chính thức không có.

Tổng kết lại thành tích của sĩ quan Khóa 3 Thủ Đức, tôi thấy các sĩ quan Khóa 3 không thăng cấp cao và mau như các đàn anh trong khóa 1, một phần vì ra trường sau, một phần vì tuổi tác trung bình của anh em khóa 3 cao hơn. Thêm vào đó, sĩ quan xuất thân Khóa 3 gồm đa số thuộc thành phần công tư chức nhiều hơn sinh viên học sinh, có gia đình nhiều hơn độc thân, vì vậy thường giữ bản tính thích phục vụ tại các bộ tham mưu, nha sở, nên lâu lên lon và khó nổi trội tiếng tăm. Tuy vậy, sự đóng góp của các anh em không phải là nhỏ vì trong quân đội, công tác tham mưu cũng quan trọng không kém công tác chiến đấu. Có một điều chắc chắn là sau khi rời đồi Tăng Nhơn Phú, cuộc đời và tương lai của các anh em động viên vào Khóa 3 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức đã đổi thay rất nhiều: theo đuổi một sự nghiệp mới hoặc nhận những trách nhiệm nặng nề được giao phó. Nhiều người phải từ bỏ hẳn đời sống an toàn để “vào sinh ra tử” không những cho chính mình mà còn mang theo tính mạng của binh sĩ thuộc cấp. Nhiều người đã gác sang một bên những dự tính tương lai của thời dân sự mà tiếp tục phục vụ trong quân đội. Cũng có nhiều anh vẫn ở ngạch trừ bị đến ngày rã ngũ, nhưng một số anh trừ bị chuyển sang hiện dịch sau khi xuất ngoại tu nghiệp hoặc vì “l' appétit vient en mangeant.”

Gần nửa thế kỷ trôi qua, ngồi tính lại sổ đời, ta mới thấy ngày nhập ngũ là một khúc quẹo của cuộc sống, bước ngoặt của đường đời, là cơ hội khai triển các tài năng ẩn dấu, tận dụng nội lực tiềm tàng trong mỗi người. Khi mới nhận được lệnh động viên thì các anh em coi đó là một gánh nặng, một nghĩa vụ “muốn tránh cũng không được”, nhưng một khi sống quen đời quân ngũ rồi ta lại tự nhiên thích lối sinh hoạt tập thể, phiêu lưu nhưng kỷ luật, nhiều thử thách nhưng hưởng được các thành quả, những tưởng thưởng vật chất và tinh thần khó tìm thấy trong đời sống dân sự. Nhìn lại quá trình và thành tích của các thành phần trong Khóa 3 Thủ Đức, dù rằng, giờ đây, kẻ mất người còn, lưu lạc tản mác khắp nơi trên thế giới; dù rằng, có thể ý nguyện hay hoài bão của nhiều người chưa đạt đến nơi đến chốn, ta nhận thấy đại đa số sĩ quan xuất thân Khóa 3 đã tỏ ra “tận kỳ lực, đạt kỳ công” trong thời gian phục vụ quê hương dân tộc.

2 comments:

Vui said...

Please give me permission to link to your post from my website www.theforgottengeneration.com. My faher-in-law is Colonel Hoang Duc Ninh, who graduated the same class as Colonel Nguyen Duc De.

Vui Le

Nha Ky Thuat said...

Yes, You can link to your web-site
Thanks
Hoavanpham@yahoo.com